IQ là gì?

IQ là viết tắt của Intelligence Quotient hay còn gọi là Chỉ số thông minh. Nó là một loại chỉ số đo lường khả năng nhận thức của con người. 

Những người có chỉ số IQ cao thường có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin trong thời gian ngắn hơn, ở một mức độ sâu sắc hơn so với những người có chỉ số IQ khiêm tốn.

Chỉ số IQ có ảnh hưởng không nhỏ tới mức độ thành công của một người. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là những người có chỉ số IQ thấp thì không thể thành công và ngược lại. Tất cả mọi người đều có khả năng nhận thức bất kể chỉ số thông minh là cao hay thấp, chẳng qua những người có chỉ số thông minh cao thì học nhanh hơn hoặc dễ dàng hơn những người khác mà thôi.

Nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy sự liên quan giữa chỉ số thông minh với sức khỏe tâm sinh lý của con người. Tức là một người có IQ cao thường ít bị bệnh nặng hơn và sống lâu hơn so với người có IQ thấp. Điều này đã được chứng minh bởi một cuộc khảo sát với quy mô hơn 2.000 người tại Vương quốc Anh. Nguyên nhân được lý giải có thể là do những người thông minh nhận thức được họ cần phải ăn uống lành mạnh, hạn chế hút thuốc và tập thể dục thường xuyên thì mới bảo vệ được sức khỏe của chính mình. Mặt khác, người thông minh thường có điều kiện kinh tế khá giả hơn, nên họ được tiếp cận với những điều kiện y tế hiện đại và tân tiến hơn. 

Thuật ngữ “IQ” lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1912 bởi nhà tâm lý học William Stern. Nó bắt nguồn từ một thuật ngữ tiếng Đức có tên là “Intelligenzquotient”. Vào thời điểm đó, chỉ số IQ được biểu thị bằng (tuổi trí tuệ/tuổi sinh lý) x 100. Điều này có nghĩa là nếu một cá nhân 10 tuổi có tuổi trí tuệ là 10, thì chỉ số IQ của họ sẽ là 100. Tuy nhiên, nếu tuổi trí tuệ của họ lớn hơn so với tuổi sinh lý (ví dụ: 12 thay vì 10), thì chỉ số IQ của họ sẽ là 120. Tương tự, nếu tuổi trí tuệ của họ thấp hơn tuổi sinh lý, thì chỉ số IQ của họ sẽ thấp hơn 100.

Dựa theo cách tính này của William Stern, kết hợp với độ lệch chuẩn là 15, người ta chia chỉ số IQ thành 4 mức phổ biến: Mức phổ biến, mức thấp, mức cao và mức thiên tài. Trong đó:

  1. Mức thấp: tương đương với chỉ số IQ từ 70 trở xuống (chiếm khoảng 2% dân số thế giới). Những người thuộc mức này được xem là dấu hiệu của người chậm phát triển trí tuệ;
  2. Mức phổ biến: tương đương với chỉ số IQ từ 85 đến 115 (chiếm khoảng 2/3 dân số thế giới). Trí tuệ bình thường;
  3. Mức cao: tương đương với chỉ số IQ từ 130 đến 145 (chiếm khoảng 2% dân số thế giới). Rất thông minh;
  4. Mức thiên tài: tương đương với chỉ số IQ trên 145 (chỉ chiếm 0,1% dân số thế giới). Vô cùng xuất chúng.

Vì sao cần làm test IQ?

Bài test IQ gồm một loạt các câu hỏi trắc nghiệm được thiết kế nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy của não bộ. Đây là phương pháp đo lường chỉ số IQ chính xác và phổ biến nhất hiện nay.

  1. Các bài kiểm tra trí thông minh thường tập trung vào các khả năng như toán học, ghi nhớ, nhận thức không gian và khả năng ngôn ngữ. 
  2. Có nhiều lý do giải thích tại sao chúng ta nên làm bài test IQ, chẳng hạn như:
  3. Hỗ trợ chẩn đoán khả năng phát triển trí tuệ cho cả trẻ em và người lớn;
  4. Khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân;
  5. Rèn luyện trí não: Mặc dù não có khả năng lưu trữ khổng lồ, nhưng thực tế chúng ta mới chỉ sử dụng được khoảng 2% sức mạnh của nó mà thôi. Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải liên tục sử dụng bộ não của mình, nếu không, các tế bào não sẽ thoái hóa dần dần theo tuổi tác và có nguy cơ dẫn đến teo não;
  6. Giúp giáo viên phân loại học sinh và sắp xếp chương trình giáo dục phù hợp: Bạn biết không, con người sở hữu tới 8 loại trí thông minh khác nhau gồm thông minh không gian, thông minh âm nhạc, thông minh thể chất, thông minh logic-toán học, thông minh ngôn ngữ, thông minh thiên nhiên, thông minh giao tiếp và thông minh cơ thể. Giả sử một đứa trẻ sở hữu trí thông minh thiên nhiên, chúng có thể sẽ gặp khó khăn trong một số môn học ở trường, trong khi đó việc nhà trường tổ chức một chương trình giáo dục đặc biệt là điều không thể. Lúc này chỉ còn cách dựa vào chỉ số IQ, như vậy giáo viên có thể chia học sinh thành 4 lớp, tương ứng với 4 mức IQ kể trên để sắp xếp chương trình giáo dục phù hợp cho từng lớp. Những trẻ có IQ < 70 sẽ được giáo dục khác hoàn toàn với trẻ có IQ > 130, miễn sao có thể phát triển trí tuệ của chúng;
  7. Giúp nhà tuyển dụng phân loại ứng viên: Ứng viên nào có chỉ số IQ cao tất nhiên sẽ được đánh giá cao hơn bởi bản chất của họ là nhanh nhạy và dễ đào tạo hơn so với những người khác.